MỘT LẦN CÙNG NHÀ NGOẠI CẢM ĐI TÌM HÀI CỐT LIỆT SĨ

MỘT LẦN CÙNG NHÀ NGOẠI CẢM ĐI TÌM HÀI CỐT LIỆT SĨ

MỘT LẦN CÙNG NHÀ NGOẠI CẢM ĐI TÌM HÀI CỐT LIỆT SĨ

MỘT LẦN CÙNG NHÀ NGOẠI CẢM ĐI TÌM HÀI CỐT LIỆT SĨ

MỘT LẦN CÙNG NHÀ NGOẠI CẢM ĐI TÌM HÀI CỐT LIỆT SĨ
MỘT LẦN CÙNG NHÀ NGOẠI CẢM ĐI TÌM HÀI CỐT LIỆT SĨ

MỘ LẦN CÙNG NHÀ NGOẠI CẢM ĐI TÌM HÀI CỐT LIỆT SĨ

MỘT LẦN CÙNG NHÀ NGOẠI CẢM ĐI TÌM HÀI CỐT LIỆT SĨ

TRÌNH TỰ KHA

Cũng như bao gia đình Việt Nam khác, gia đình tôi cũng chịu sự đau thương mất mát to lớn của chiến tranh. Dì Năm (em ruột Má tôi), cô Mười (em ruột Ba tôi) đều là bà mẹ Việt Nam anh hùng. Cô Bốn (chị ba tôi) có một con là liệt sĩ, một con là thương binh 2/4. Chú Tám - Trình Nhắn (em ruột Ba tôi) bị địch sát hại trong những năm sau hiệp định Giơ-ne-vơ. Ngày đó chính quyền Ngô Đình Diệm lê máy chém đi khắp miền Nam, khủng bố tàn sát những người tham gia kháng chiến chống Pháp. Chú Tám tôi là Đảng viên phụ trách kinh tài của chi bộ. Địch lùng bắt chú Tám tôi cùng hai cán bộ kháng chiến nữa đem ra giữa động cát chôn sống. Tin dữ bay ra Bắc, Ba tôi thức trắng mấy đêm liền vì đau buồn.

Các liệt sĩ an nghỉ tại Nghĩa trang Liệt sĩ xã An Chấn huyện Tuy An tỉnh Phú Yên

Ngày đại thắng 30/4/1975, Ba tôi đưa cả nhà về làng quê biển Mỹ Quang; lúc đó tôi còn là anh chiến sĩ giải phóng quân của Trung đoàn 174, Sư đoàn 5, đang tham gia truy quét tàn quân vùng núi Thị Vải (Bà Rịa), ngôi sao trên mũ còn nửa xanh, nửa đỏ, ngôi sao vàng ở giữa. Chú Tám Trình Nhắn được nhà nước công nhận liệt sĩ nhưng không biết chú nằm ở đâu? Nghe em gái Tám Hương của tôi kể lại rằng: “Ba đã đến thôn Chính Nghĩa (xã An Chấn, Tuy An, Phú yên) nhìn đồi cát mênh mông mà than rằng “Thôn Chính Nghĩa, sao người không chính nghĩa, anh về đây còn em nằm ở đâu?”.

Ngày đó, anh Hai tôi, GS–TS Trình Quang Phú, là Ủy viên Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam, được phân công phụ trách những đơn vị nghiên cứu về những con người có khả năng đặc biệt.

Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam thành lập Trung tâm nghiên cứu do Giáo sư Ngô Đạt Tam làm Chủ tịch để tập hợp, trắc nghiệm, ứng dụng các khả năng đặc biệt. Ở miền Bắc, đặc biệt là trong vòng cung của Ba Vì xuất hiện nhiều người có khả năng như gọi hồn người đã khuất để nói chuyện, có người chữa bệnh từ xa, có người dự báo thời vận, có người gọi hồn về để vẽ chân dung... Nhiều người có thể tìm mộ người mất, đặc biệt có người chỉ tìm mộ liệt sĩ và chỉ trong vài năm của những năm 1990 họ đã tìm gần một vạn hài cốt liệt sĩ và xác định danh tánh của nhiều liệt sĩ.

Trong số các nhà ngoại cảm đó, ở Hải Dương có ông Nguyễn Văn Liên và “thầy” của ông là bà Nguyễn Thị Cườm, hằng ngày có hàng trăm người xếp hàng chờ xin gặp, ai cũng gọi bà bằng mẫu. “Thưa mẫu” để nhờ chỉ dẫn tìm mộ liệt sĩ và thân nhân. Anh Hai tôi may mắn được bà tiếp và nhận làm anh. Bà vẽ cho sơ đồ nơi chú Tám tôi đang nằm. Bà còn nói vần “Ông Trình nằm vệ đường đi” (vệ là gần) và rất nhiệt tình giúp đỡ.

Khi anh Hai đưa xem bản sơ đồ, tôi không khỏi ngạc nhiên vì tính chính xác của nó. Ngồi tại Hà Nội, chưa một lần đặt chân đến Phú Yên, làm sao bà Cườm, ông Liên có thể biết được vị trí ngôi mộ nằm kề Quốc lộ 1 và đường sắt Bắc Nam (?). Có chỉ dẫn, Ba tôi đã tổ chức một đoàn đi tìm hài cốt chú Tám và do Ba tôi dẫn đầu cùng anh Hai, tôi, các em là con chú Tám: 2 Thấu, 5 Chị, 6 Đoàn và các cháu trong họ.

Theo sơ đồ cả đoàn đi qua đồi cát (quê tôi gọi là động cát) nằm dọc theo đường sắt Bắc Nam của thôn Chính Nghĩa. Đến khu vực của sơ đồ do bà Cườm và ông Liên vẽ, mọi người bắt đầu đào thành hào sâu, đào rộng ra vẫn không thấy gì. Anh Hai dùng điện thoại di động gọi ra Hà Nội cho bà Cườm (ngày đó sóng điện thoại còn yếu và chập chờn lắm). Bà trả lời ngay: “Gần thấy rồi, đi tới phía trước mặt, mà sao trong đoàn lại có một bác cụt chân đi theo vậy?”

Tôi hơi giật mình nhìn quanh thấy trong đoàn có anh 4 Ben (con cô Bốn tôi) là thương binh chống Mỹ bị cụt một chân, không hiểu sao từ cách xa hàng ngàn cây số bà Cườm lại có thể nhìn thấy toàn cảnh cả đoàn người đi tìm hài cốt (?). Theo chỉ dẫn của bà, mọi người tích cực đào kiếm. Bà Cườm lại nói: “Dưới một bụi cây và có cái cọc cắm thẳng gần ông Trình ở đấy”. Và bà điều chỉnh vị trí qua điện thoại với anh Hai tôi. Quả thật, khi chặt bụi cây đào xuống thì một rễ cọc to bằng cổ tay cắm thẳng, thi hài chú Tám ở tư thế ngồi, sát rễ cọc này, hai tay còn bị trói thúc ké phía sau, sợi dây trói vẫn còn nguyên, thật là đau thương.

Đảng ủy xã và gia đình tổ chức lễ truy điệu và an táng chú Tám tôi ngay sau đó. Đã bao năm chú bị chôn vùi cô đơn như vậy, nên Ba tôi quyết định đưa chú về nằm bên ông bà nội và dòng tộc trong nghĩa trang gia đình. Lễ truy điệu nghiêm trang, anh Hai tôi – GS-TS Trình Quang Phú đã thay Ba tôi đọc lời điếu. Trong lời điếu đầy xúc động có đoạn:

“Hôm nay, sau bốn mươi ba năm, kể từ ngày chú Tám Trình Nhắn thân yêu của chúng tôi hy sinh và mất tích, nhờ sự quan tâm của Chính phủ, thầy trò nhà ngoại cảm Nguyễn Thị Cườm – Nguyễn Văn Liên đã giúp chúng tôi tìm được hài cốt của chú Trình Nhắn. Có thể nói rằng kẻ địch đã dùng thủ đoạn hết sức dã man và đê hèn, đã chôn sống người cộng sản 37 tuổi đời Trình Nhắn tại một rạch nước sát đường rày xe lửa ở thôn Chính Nghĩa vào hồi 3 giờ sáng ngày 13 tháng 1 âm lịch năm 1955. Nghĩa là chỉ không đầy 6 tháng sau ngày hòa bình được lập lại ở miền Nam.

Chú Trình Nhắn, người đồng chí của lớp người cộng sản thứ hai của xã An Chấn, người em, người anh của những người trong họ tộc, là người chú, người bác và là người cha, người ông thân yêu của cháu con. Nếu còn sống năm nay chú tròn 80 tuổi đời và bước vào tuổi 50 của người Đảng viên cộng sản (tính đến 1998 năm tìm mộ). Sự hy sinh của chú mãi mãi là tấm gương sáng cho dòng họ và cháu con. Chú là niềm tự hào của họ tộc, của cháu con và của bạn bè, đồng chí”.

Sau bao nhiêu năm cô đơn, lạnh lẽo, đìu hiu, nay chú Tám đã trở về trong vòng tay thân thương của gia đình, của anh em đồng chí. Sự may mắn này chỉ là số ít trong hàng trăm ngàn liệt sĩ vẫn còn nằm đâu đó trong lòng đất Mẹ.

Nhiều năm đã trôi qua, tôi vẫn chưa quên được cảm giác tìm được hài cốt chú Tám của mình theo sự hướng dẫn của nhà ngoại cảm.

***

Trong thế kỷ 20, rất nhiều hiện tượng bí ẩn về những khả năng đặc biệt của con người được công khai trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Những cái tên như Tophie Đadaxep (Nga) hay bà Vanga (Bungari), Hasan Chami (Tuynidi)… không còn xa lạ với thế giới. Ở Việt Nam, những người có “công năng đặc biệt” như Đỗ Bá Hiệp, Phan Thị Bích Hằng, Nguyễn Thị Cườm, Nguyễn Văn Nhã, Dương Mạnh Hùng, Nguyễn Văn Liên,… đã giúp hàng nghìn gia đình liệt sĩ tìm được hài cốt thân nhân của mình, trả lại danh tính cho nhiều liệt sĩ trong những nấm mộ “liệt sĩ chưa biết tên”.

Đất nước Việt Nam đã trải qua những cuộc kháng chiến khốc liệt chống Pháp, chống Mỹ, bảo vệ biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc, giúp bạn Lào, Campuchia. Hòa bình đã trở về nhưng còn biết bao những người con, người chồng, người chị, người anh, người em… mãi chẳng thấy về. Theo con số thống kê chưa đầy đủ thì cả nước có gần 1,2 triệu người được công nhận là liệt sĩ, trong đó có 191.605 liệt sĩ hy sinh trong kháng chiến chống Pháp, 849.018 liệt sĩ hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ (riêng TP.HCM có 51.693 liệt sĩ), 105.627 liệt sĩ hy sinh trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (chiến tranh biên giới Tây Nam, chiến tranh biên giới phía Bắc, cuộc chiến bảo vệ chủ quyền biển đảo và làm nghĩa vụ quốc tế tại Lào, Campuchia, hiện còn mấy trăm nghìn liệt sĩ chưa biết hài cốt nằm ở đâu đang cần chúng ta và các nhà ngoại cảm tiếp tục tìm kiếm.

Chuyện về thế giới tâm linh là một câu chuyện dài, Phật giáo, Hồi giáo và Thiên Chúa giáo đã cùng tồn tại hàng ngàn năm nay. Không phải tự nhiên mà nhiều người trên thế giới tin rằng cuộc sống hiện tại chỉ là cõi tạm, chỉ sau khi từ giã cõi tạm này thì cuộc sống mới bắt đầu nơi cõi vĩnh hằng, đâu dễ để hàng tỷ người tin vào Đức Phật Thích ca, tin vào Chúa Giê-su, tin vào Thượng đế…, tin vào Thiên đàng, vào cõi Niết bàn dù không ai nhìn thấy cả.

Một khi chưa thể giải thích đến tận cùng tại sao các nhà ngoại cảm có thể nói chuyện được với người cõi âm, có thể nhìn thấy dáng hình của người đã khuất, thì những đại lễ cầu siêu tại Nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên, Trường Sơn, Vị Xuyên, thành cổ Quảng Trị, dòng sông Thạch Hãn, Nghĩa trang Hàng Dương, Cầu tàu 914 Côn Đảo ở đền Bến Dược, Củ Chi, đền Rừng Sác Cần Giờ không chỉ mang ý nghĩa “uống nước nhớ nguồn”, tri ân các anh hùng liệt sĩ mà còn có ý nghĩa sâu xa là nhớ đến biết bao vong linh, hương linh những người con đất Việt đã ngã xuống, thân xác tan vào lòng đất Mẹ, nhưng linh hồn vẫn còn đâu đây trên những ngọn núi, trong rừng già hay ở biển cả mênh mông như câu thơ của Nhà thơ CCB Trần Thế Tuyển: “Thân ngã xuống thành đất đai Tổ quốc/Hồn bay lên hóa linh khí quốc gia”.

 

 

Tin tức khác

Tin mới
Hoạt động

Quảng cáo

backtop