NHƯ CON ONG MIỆT MÀI TRONG VƯỜN HOA NGÁT HƯƠNG

NHƯ CON ONG MIỆT MÀI TRONG VƯỜN HOA NGÁT HƯƠNG

NHƯ CON ONG MIỆT MÀI TRONG VƯỜN HOA NGÁT HƯƠNG

NHƯ CON ONG MIỆT MÀI TRONG VƯỜN HOA NGÁT HƯƠNG

NHƯ CON ONG MIỆT MÀI TRONG VƯỜN HOA NGÁT HƯƠNG
NHƯ CON ONG MIỆT MÀI TRONG VƯỜN HOA NGÁT HƯƠNG

NHƯ CON ONG MIỆT MÀI TRONG VƯỜN HOA NGÁT HƯƠNG

NHƯ CON ONG MIỆT MÀI TRONG VƯỜN HOA NGÁT HƯƠNG

PHẠM ĐÌNH TRỌNG 

(Đọc trường ca “MẸ” của Trần Thế Tuyển)

Đây là tập trường ca thứ 3 của Nhà thơ Trần Thế Tuyển: Tập thứ nhất: Phía sau mặt trời – xuất bản năm 2014, như một cuốn tự truyện. Tập thứ 2: Gió thổi miền kí ức – xuất bản năm 2020, viết về đồng đội. Và tập thứ 3: Mẹ – xuất bản năm 2022, nói về “MẸ”.

Thực ra hai tập trước, hình ảnh người Mẹ đã xuất hiện khá đậm trong thơ văn của Trần Thế Tuyển nhưng với tập Trường ca “MẸ”, người mẹ là nhân vật trung tâm xuyên suốt, bao trùm, dẫn dắt mọi suy nghĩ – cảm xúc của tác giả và độc giả.

Hơn 10 năm nghỉ hưu, cựu quân nhân miệt vườn quê Hải Hậu trình làng hơn 10 đứa con tinh thần, trong đó liên tục 3 năm cận kề là 3 đứa con mang tên “Trường ca” – bút lực như thế là khỏe!

Đúng như lời tự bạch của nhà thơ Trần Thế Tuyển mở đầu tập thơ Tiếng chim trong vườn: “Chắc chắn tôi không phải sinh ra để làm thơ. Nhưng ngay từ nhỏ, thơ đã bước vào cuộc đời tôi như một lương duyên không thể khác”. Cùng với “Duyên thơ” từ thuở ấu thơ, môi trường gia đình và xã hội lại như một xúc tác nhiệm màu cho duyên lành đơm bông kết trái.

Người xưa nói: Văn dĩ tải đạo – làm văn chương là để “chở” đạo lí mình tin theo, tôn thờ. Trần Thế Tuyển, theo tôi nghĩ, là một trong số điển hình nhất quán theo thường phái “Văn dĩ tải đạo”. Cũng giống với các tác phẩm văn chương khác của anh, trong “MẸ – Trường ca” vẫn là những câu văn giản dị, nhiều đoạn bình thường như giọng nói dân gian,… mà giàu xúc cảm. Cảm xúc chân chất, mãnh liệt về tình yêu đất nước – con người. Tình yêu ẩn tàng trong đạo “hiếu” với cha mẹ, “nghĩa” với anh em, bạn bè, đồng đội, tình yêu sắt son nam nữ… Chạm tới vùng nào, ngòi bút Trần Thế Tuyển cũng đi tới bến, trải lòng tới tận cùng.

Trong cuộc chiến quá chênh lệch, quá tàn khốc như cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vừa qua, một gia đình có hai trai ra trận, một con trở về, lành lặn đã là quý. Thế nhưng nỗi đau mất mát thì không gì có thể sánh bằng – không gì có thể thay thế. Huống chi đây lại là một “đứt gẫy” chung của hầu hết các tổ ấm gia đình ven con sông nhỏ làng quê. Người mẹ có mái tóc dài chấm gót, bạc trắng như tiên và khuôn mặt chữ điền phúc hậu là có thật, hai lính chiến trường tên Ớt, tên Cay là có thật; cũng như câu chuyên trong Trường ca, “MẸ” là có thật ngoài đời. Nhưng “nỗi đau này không phải của riêng ai” nên trường ca mang tính thời đại. Niềm tự hào của mẹ là con trai mẹ xứng là trai thời loạn: “Trượng phu thiên lý ý mã cách/ Thái sơn nhất trịch khinh hồng mao”(1); nhưng nỗi đau con không về là nỗi đau không bút nào tả xiết. Ớt – người con lớn đưa mẹ đi tìm em trong vô vọng, hết Tây Nguyên rồi Nam Bộ, gõ cửa cả tới cõi tâm linh thì câu trả lời cũng vẫn là “không chắc!”. Tác giả dành cho cuộc tìm con của mẹ khá dài, khá công phu, suốt miền Đông miền Tây. Cuối cùng người mẹ đành bấm bụng, tự an ủi mình:
Thôi thì, ở đâu cũng đất cũng trời / Thôi thì, hy sinh ở đâu cũng là liệt sĩ …
Con ơi con, dẫu con nằm ở đâu
Tây Nguyên cao xanh
Hay Đồng bằng sông Cửu Long lộng gió

Đất nước mình đâu cũng là cương thổ
Ông bà, tổ tiên đã khai phá giữ gìn.

Điệp ngữ “thôi thì” đầy vẻ bất lực, buông xuôi trước sự thực phũ phàng. Nhưng nói thì nói vậy chứ khoảng trống mất con mênh mông và sâu thẳm quá, lẽ nào cam chịu?!
Đọc Trần Thế Tuyển, ta thấy nhiều lần anh nhắc lại câu hỏi của mẹ: “Con về, em con đâu?”, “Con về sao không cho con em về với?”… Và tác giả xem đó là
“Câu hỏi đời người”:
Câu hỏi đời người mẹ cứ hỏi mãi con
Con về rồi sao không cho em con về với?
 (2)

Câu hỏi thật thiết tha, khắc khoải cứ lẩn vẩn trong đầu và buốt nhói trong tim. Và người con trai trưởng luôn cảm thấy mình chưa làm tròn nhiệm vụ dắt em về! Có anh bạn văn chương khẽ hỏi: “Sao anh Tuyển dùng câu hỏi này của mẹ nhiều thế”. Không. Không nhiều. Và chắc Tuyển còn nhắc lại nhiều lần nữa, bởi đây là nỗi day dứt triền miên của anh với mẹ đẻ (và cả với mẹ của các đồng đội khác cùng cảnh ngộ), đến hết đời! Dân gian có câu đúc kết rất “NGƯỜI”, và hơn nữa, rất Việt Nam:
Nợ tiền càng trả càng vơi
Nợ tình càng trả ai ơi càng đầy!

Tình đời đã khó vậy, huống chi tình với mẹ cha, với em trai và đồng đội.
Ba cuộc chiến khôc liệt, liên tiếp kéo dài hàng nửa thế kỷ, biết bao trai thanh gái lịch đã ngã xuống ở ba chiến trường, hàng vạn hàng vạn hài cốt còn vùi đâu đó; thậm chí đã hóa thành cát bụi, biến thành nước thành bùn như anh em gửi thân trong dòng sông dòng suối, trong biển cả mênh mông: “Đò xuôi Thạch Hãn ơi chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm(3).

Có một lần Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, trả lời hai ông G. Ke-ri và B. Smít của đoàn POW/ MIA(4) (Hoa Kì): “Không có cuộc chiến tranh nào có thể tìm hết hài cốt người tử trận. Ngay như Mỹ, đến nay vẫn chưa tìm hết hài cốt binh lính trong cuộc chiến tranh Triều Tiên (1951- 1953)(5). Tôi là “Tướng”, được Nhà nước, quân đội giao cho phụ trách công tác chính sách mà tới nay vẫn chưa tìm thấy hài cốt em ruột của mình!”. Hai ông nghị sĩ nguyên là quân nhân, ông Giôn là phi công chiến đấu, từng làm khách Hin-tơn Hà Nội,… lặng thinh.

*
Nỗi đau trong mẹ chất chồng bởi mẹ là đầu mối của tất cả nỗi đau mất mát. Hãy nghe lời đối thoại giữa mẹ và cô gái nhà bên:
Mẹ đã từng an ủi, vỗ về
Cô bạn gái nhà bên của thằng Cay, thuở ấy/ Thôi, nó không trở về/ Sắp hết tuổi xuân, con gái/ Con đi lấy chồng cho yên phận cái con…

Cô gái quê chợt trở nên dạn dĩ:
Nhưng cô gái nhà bên
Cứ lòng dạ sắt son
“Mẹ đợi được thì con đợi được
Anh ấy sẽ trở về, mái nhà xưa thân thuộc Chúng con sẽ thành vợ, thành chồng”.

Tình đời là vậy, không đứt từng khúc ruột sao được bởi con trai nằm xuống là kéo theo nhiều hệ lụy: Mất con là mất dâu, là mất luôn lũ cháu dễ thương… Mẹ khuyên cô gái trẻ là khuyên thật lòng, là thấu hiểu sự mất mát trong cô, và lo rằng cô quá lứa lỡ thì; nhưng khuyên đấy mà đau đấy – đau đến tận cùng nỗi đau của kiếp người!

Trần Thế Tuyển viết hoài, viết mãi về chiến tranh, về đồng đội, đặc biệt là về sự mất mát không gì bù đắp được của những người cha, người mẹ, người vợ và quyết tâm trang trải – trả nợ phần nào. Ở báo Quân đội nhân dân, anh sớm góp phần quan trọng chăm sóc con thương binh, mẹ liệt sĩ; ra báo Sài Gòn Giải phóng, anh cùng Đảng ủy và Ban Biên tập phất lên phong trào “nghĩa tình Trường Sơn”; khi nghỉ hưu, anh tự nguyện gánh vác trọng trách chủ trì tổ chức hoạt động nghĩa tình đồng đội… Kết quả của những hoạt động xã hội ấy là những công trình văn hóa tâm linh xứng tầm, là mái ấm yên vui của các mẹ già, em nhỏ; trong đại dịch Covid-19, anh cùng bè bạn tổ chức cửa hàng lương thực thực phẩm “0 đồng”… Và điều có ý nghĩa nữa là anh dâng đời những giá trị tinh thần: Tác phẩm. Chàng trai Hải Hậu ở tuổi “xưa nay hiếm” rồi mà vẫn hăng hái xông pha trong hoạt động xã hội; và viết, bởi viết là nhu cầu tự thân trả nợ đời, đặc biệt là nợ với người sớm trở thành “đất đai Tổ quốc”, thành “linh khí quốc gia”. Đi là để vận động mọi người tham gia phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”. Và đi cũng để tích lũy thêm năng lượng cho ngòi bút. Anh như con ong miệt mài hút mật trong vườn hoa thơm ngát hương đời. Trong những ngày bôn ba hoạt động cũng như khi sáng tác, Trần Thế Tuyển thường dành vị trí đặc biệt cho người mẹ.


Phương Tây có một câu ngạn ngữ cực hay:
Thế giới có rất nhiều kỳ quan nhưng kỳ quan vĩ đại nhất là trái tim người mẹ!
Tôi nghĩ, sau “MẸ”, bằng con đường văn chương, nhà thơ, cựu chiến binh Trần Thế Tuyển sẽ tiếp tục khám phá “Kỳ quan số 1” của thế giới – TRÁI TIM NGƯỜI MẸ và không ngừng nâng cấp, trả lời cho “câu hỏi đời người” .

——-

(1) Thơ Lý Bạch, đời nhà Đường, Trung Quốc. (Đặng Trần Côn mượn lại trong Chinh phụ ngâm khúc). Tạm dịch: Làm tài trai phải vượt ngàn dặm ra chiến trường, khi tử trận thì lấy da ngựa bọc xương/ Xách quả núi Thái-sơn ném mà nhẹ như chiếc lông hồng.
(2) Trường ca “Phía sau mặt trời”
(3) Thơ tạc trên bia đá Nghĩa trang Quảng Trị.
(4) POW/ MIA: “Tù binh và người mất tích trong chiến tranh”
(5) Theo The Guardian: Khoảng 7.700 lính Mỹ đã được đưa vào danh sách mất tích trong chiến tranh Triều Tiên, trong đó có khoảng 3.500 bộ hài cốt lính Mỹ được cho là vẫn còn nằm trên đất Triều Tiên. (Báo Công an Nhân dân online dẫn lại ngày 27/7/2018).

Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 8-2021

PHẠM ĐÌNH TRỌNG

ĐẶC SAN GIÁO DỤC NGÀY NAY

Tin tức khác

Tin mới
Hoạt động

Quảng cáo

backtop