TIẾNG CHUÔNG LONG KHỐT

TIẾNG CHUÔNG LONG KHỐT

TIẾNG CHUÔNG LONG KHỐT

TIẾNG CHUÔNG LONG KHỐT

TIẾNG CHUÔNG LONG KHỐT
TIẾNG CHUÔNG LONG KHỐT

TIẾNG CHUÔNG LONG KHỐT

TIẾNG CHUÔNG LONG KHỐT

Hẹn hò, lần lữa mãi đến cuối năm 2008, tôi mới cùng Trần Thế Tuyển về thăm lại chiến trường xưa Long Khốt. 

Biết nhau từ năm 1973 khi đoàn 2020 của tôi, sau hơn 3 tháng trời lội bộ dọc Trường Sơn vào chiến trường B2( Miền Đồng Nam Bộ )được bổ sung vào Trung đoàn 2 - Công trường 5 (Sư đoàn 5 ngày nay). Ngày đó, Trần Thế Tuyển là trợ lý tuyên huấn của Ban Chính Trị Trung đoàn, anh đã giới thiệu cho chúng tôi nghe về truyền thống Trung đoàn, nhờ đó tôi mới biết Trung Đoàn 2 chính là Trung đoàn 174 (Đoàn Cao-Bắc-Lạng) oai hùng thời chống Pháp, nơi sản sinh ra những người anh hùng mà chúng tôi đã thuộc lòng từ thuở còn ngồi trên ghế nhà trường như Bế Văn Đàn, La Văn Cầu, Đàm Văn Nguỵ,...

 Kết thúc chiến tranh, tôi rời quân ngũ chuyển ngành về Nhà Máy Hoá Chất Đồng Nai, rồi tiếp tục đến với những vùng đất xa xôi như Duyên Hải (nay là Cần Giờ), Côn Đảo..rồi Vũng Tàu. Trần Thế Tuyển vẫn tiếp tục khoác áo lính, đi tiếp cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và làm nghĩa vụ quốc tế trên đất Campuchia. Nghiệp văn chương theo Tuyển đến tận bây giờ. Trở lại Long khốt, nơi ngày xưa là chi khu Long Khốt của quân lực Việt Nam Cộng Hoà, án ngữ cả một tuyến biên giới chặn đường về miền Tây Nam bộ của Quân Giải phóng miền Nam ; Tôi và Trần Thế Tuyển đi cùng các chiến sĩ biên phòng Long Khốt ra tận cánh đồng biên giới và cố lục trong trí nhớ để tìm lại trận địa khẩu đội DKZ của tôi ngày nào trong trận đánh công đồn Long Khốt ngày 28/4/1974. 

Cánh đồng bạt ngàn không còn chút gì dấu tích của trận địa xưa, những phum sóc Khơ me xa xa ẩn mình dưới rặng cây Thốt nốt... đâu là cứ Ba Lô của đơn vị ? Đâu là căn nhà sàn bỏ hoang, nơi tôi đã tuyên thệ dưới lá cờ búa liềm trong buổi lễ kết nạp Đảng trước ngày vào trận đánh ? Đâu là nơi chúng tôi đã chôn cất những đồng đội hy sinh về với cát bụi trong tấm tăng và cánh võng...? Tất cả chỉ còn trong ký ức mà thôi... Chúng tôi cùng thắp 3 nén nhang cắm trên mặt ruộng rồi khấn vọng những linh hồn đồng đội còn ẩn hiện đâu đó dưới mái chùa Miên, trên ngọn cây Thốt nốt... 

Trên nền chi khu Long Khốt xưa, nay là đồn biên phòng Long Khốt, cách cổng đồn biên phòng không xa là đài liệt sỹ do bộ đội biên phòng và nhân dân ở đây xây dựng . Danh sách liệt sỹ được khắc trên bia đá, chủ yếu là anh em bộ đội biên phòng Long Khốt đã hy sinh trong 43 ngày đêm bám trụ bảo vệ đồn trong chiến tranh biên giới Tây Nam hồi năm 1978. Phía sau đài liệt sỹ là đền liệt sỹ Long khốt mà Trần Thế Tuyển với danh nghĩa Tổng biên tập báo Sai Gòn Giải Phóng đã vận động các cá nhân và đơn vị,trong đó có Công ty cổ phần đầu tư golf Long Thành do CCB Lê văn Kiểm làm Chủ tịch HĐQT tài trợ chính để xây đền. Ngôi đền nhỏ với hai bức tường hông treo kín danh sách liệt sỹ của Trung đoàn 174 đã hy sinh, tất cả được in trên giấy trắng và lồng khung kính treo lên tường. Đọc tìm những đồng đội cùng đơn vị đã hy sinh trong trận đánh Long Khốt năm 1974 , tôi mới nhận ra rằng danh sách hiện chỉ có tên những liệt sỹ hy sinh trong trận đánh 1972, trận đánh đó Trung đoàn 174 đã không dứt điểm được chi khu Long Khốt, chiến sĩ ta "phơi áo" hàng rào... Món nợ máu đó mãi đến ngày 28/4/1974 chúng tôi mới trả được. Phải làm sao có đầy đủ tên các liệt sỹ đã ngã xuống trên mảnh đất biên giới này,chúng ta không được phép lãng quên một ai !

Trở về thành phố, tôi cùng Trần Thế Tuyển vào Phòng Chính sách - Cục Chính trị - Quân khu 7 để mượn những cuốn sổ chép tay danh sách liệt sỹ hy sinh trước năm 1975, trong đó chúng tôi tìm thấy những liệt sỹ hy sinh trên chiến trường Long Khốt những năm 74, 75. Mắt tôi nhoè đi khi thấy tên đồng đội cùng  Đại đội K17 - DKZ... Tạ Văn Mạnh quê Hải dương hy sinh ở Thái Trị, Vở và Công Bao quê Thái bình hy sinh ở chùa Xămbua, Thẩm Cphó hy sinh ở Long Khốt... các bạn đang nằm ở đâu? Sao tôi không tìm thấy tên các bạn trong nghĩa trang Vĩnh Hưng? Hay là các bạn đang nằm đó, dưới những tấm bia "liệt sỹ chưa biết tên"? Ngày đó, chúng tôi không có điều kiện để dựng bia trên mộ của các bạn . Cuộc chiến đã qua khốc liệt vô cùng, xin đừng trách chúng tôi...

Danh sách tạm thống kê được 601 liệt sỹ của Trung đoàn 174 hy sinh trong các trận đánh từ năm 1972  đến 1975 trên chiến trường Long Khốt, chưa kể liệt sỹ của các đơn vị phối thuộc và bộ đội địa phương.

Có danh sách liệt sỹ rồi chúng tôi nghĩ tên tuổi, quê quán của các anh phải được khắc vào bia đá để lưu danh muôn đời. Tôi và Trần Thế Tuyển cùng một số anh em Cựu chiến binh của Trung đoàn 174 như anh Tám Trần, anh Hai Bạch, Lê Thành Đại, Sỹ Bình, Đồng Bằng, Minh Sơn, Bá Ngọc ...bàn nhau, vận động các nhà mạnh thường quân và cùng đóng góp để nâng cấp đền liệt sỹ Long Khốt, xứng đáng là nơi thờ cúng hơn 1000 liệt sỹ. ( Ngày 19/5/2015 trong ngày giỗ liệt sỹ Long khốt và tưởng nhớ Bác Hồ kính yêu chúng tôi đã thực hiện được việc khắc tên các liệt sỹ lên tường đá hoa cương cùng với việc cung thỉnh tượng đồng Bác Hồ lên bàn thờ trong đền thờ Long khốt.)

Nhớ lại, cuối năm 2008, sau mấy chục năm tôi trở lại Long Khốt . Khi

đứng bên dòng sông nặng đỏ phù sa, chúng tôi lặng nhìn lục bình trôi mà lòng đau đáu nghĩ đến bao đồng đội còn nằm đâu đó dưới đáy sông, Trần Thế Tuyển thốt lên : "Đền liệt sỹ còn lạnh lẽo quá, phải có tiếng chuông gọi hồn liệt sỹ . Mỗi sớm ,chiều tiếng chuông vang lên như tiếng còi tập hợp bộ đội ngày xưa..." Tôi đồng cảm với Trần Thế Tuyển . 

Không thể nói suông với liệt sỹ, ngay đầu năm  2009 tôi đã liên hệ với cơ sở đúc chuông Đại Hạnh gần núi Ông Trịnh (huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) để đúc quả chuông nặng 150kg cho đền liêt sỹ Long Khốt. Kinh phí do Công ty Cổ phần Du lịch Golf  Việt Nam tài trợ với sự góp sức của gia đình CCB- doanh nhân Hoàng Minh Sơn . Khi xem hình mẫu của quả chuông tôi nói với Tuyển : "Cần phải có gì khắc lên chuông chứ? Đồng đội hãy viết một bài thơ tứ tuyệt đi." 

Trần Thế Tuyển đồng ý và nói tôi chuẩn bị thêm logo của báo Sài Gòn Giải Phóng - nơi Tuyển đang làm Tổng Biên Tập và logo của Công ty Cổ phần du lịch Golf Việt Nam (Vinagolf) - nơi tôi đang là Tổng giám đốc để khắc lên chuông với tư cách là các nhà tài trợ. 

Khoảng một tuần sau,khi tôi vừa kết thúc chuyến công tác từ Côn đảo trở về văn phòng Công ty ở Vũng tàu,Trần Thế Tuyển gởi cho tôi qua tin nhắn bốn câu thơ . 

                        "Thân ngã xuống thành đất đai Tổ Quốc

                         Hồn bay lên hoá linh khí Quốc gia

                        Ngàn năm mãi mãi ngân nga

                       Tiếng chuông Long Khốt gấm hoa dâng đời..."

Đọc thơ , tôi nhận ra hai câu đầu Trần Thế Tuyển đã ấp ủ từ lâu . Đó là cặp vế đối hoàn chỉnh . Ngoài 

tôi ra, Tuyển còn gởi cho một số bạn bè thân thiết như Đại tá nhà báo Phạm Đình Trọng, luật sư Trần Văn Sự, bác sĩ Nguyễn Tuấn Thanh, NSUT Lan Hương...để xin góp ý. 

Hai câu đầu không ai có ý kiến gì, riêng hai câu sau tôi có đề nghị chỉnh sửa 1, 2 từ cho phù hợp 

hơn. Trần Thế Tuyển đã chỉnh lại một từ trong câu 4 : 

"Tiếng chuông Long Khốt gấm hoa dâng  người..." 

Thế là bài thơ được Đại tá nhà báo Phạm Đình Trọng dịch sang tiếng Hán và được khắc lên chuông đồng :

                        "Thân ngã xuống thành đất đai Tổ Quốc

                         Hồn bay lên hoá linh khí Quốc gia

                        Ngàn năm mãi mãi ngân nga

                       Tiếng chuông Long Khốt gấm hoa dâng người..."

Cũng vì sự góp ý nhỏ đó mà Trần Thế Tuyển đã cho khắc bên dưới bài thơ :

"Trần Thế Tuyển - Trình Tự Kha , CCB Trung Đoàn 174" , như là đồng tác giả. 

Với tôi, đó là một kỷ niệm tuyệt vời với người đồng đội cùng Trung đoàn đã cùng nhau chia ngọt sẻ bùi suốt hơn 40 năm nay; bài thơ còn là món quà vô giá tri ân các anh hùng liệt sỹ đã mãi mãi nằm xuống trên mảnh đất biên cương Tây Nam này. 

Hai câu đầu của bài thơ đã trở thành cặp vế đối trên bàn thờ Bác Hồ và các anh hùng liệt sỹ trong đền thờ Long Khốt : 

                              "Thân ngã xuống thành đất đai Tổ quốc

                               Hồn bay lên hoá linh khí Quốc gia..."

Sau gần 10 năm xuất hiện , hai câu thơ trên đã không còn của riêng nhà báo, nhà thơ, đại tá Trần Thế Tuyển nữa mà đã thành tài sản chung . Cặp vế đối đã được nhiều đền thờ liệt sỹ ; nhiều  diễn đàn và sự kiện chính trị trong cả nước xử dụng ; được Bộ VHTTDL xác nhận quyền tác giả và chủ sở hữu tác phẩm . 

Đúng như tâm nguyện của chúng tôi, "Tiếng chuông Long Khốt " mỗi sớm chiều vang lên làm ấm cả một vùng biên giới; là  tiếng lòng của chúng tôi gửi đến linh hồn đồng đội - những người con ưu tú đã hy sinh vì Tổ quốc . 


TRÌNH TỰ KHA

TP Hồ Chí Minh , tháng 4 năm 2018

 

Tin tức khác

Tin mới
Hoạt động

Quảng cáo

backtop