Lịch sử trung đoàn

Lịch sử trung đoàn

Lịch sử trung đoàn

Lịch sử trung đoàn

Lịch sử trung đoàn
Lịch sử trung đoàn

Lịch sử trung đoàn

TÓM LƯỢC LỊCH SỬ TRUNG ĐOÀN 174

          Trung đoàn 174 (Trung đoàn Cao-Bắc-Lạng) được thành lập ngày 19/8/1949 tại xã Đức Long, huyện Hòa An (Cao Bằng) với quân số 5.500 người, gồm lực lượng bộ binh tinh nhuệ của 3 trung đoàn: Trung đoàn 74 (Cao Bằng), Trung đoàn 28 (Lạng Sơn), Trung đoàn 72 (Bắc Kạn) sáp nhập lại, cùng 1 tiểu đoàn pháo 75 mm, 1 tiểu đoàn súng máy phòng không cao xạ, 1 đại đội trợ chiến cối 81, ĐKZ75 và 4 đại đội trực thuộc gồm trinh sát, thông tin, công binh, cảnh vệ. Đội ngũ cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 174 hầu hết là con em các dân tộc Tày, Nùng, Dao..., vùng rừng núi Cao-Bắc-Lạng. Trung đoàn trưởng Trung đoàn 28 Đặng Văn Việt làm Trung đoàn trưởng, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 74 Chu Huy Mân làm Chính ủy. Tháng Giêng năm 1950, Trung đoàn di chuyển vào đóng quân tại huyện Trùng Khánh, huấn luyện quân sự và nhận vũ khí trang bị của Giải phóng quân Trung Quốc viện trợ.

Sau khi thành lập, Trung đoàn 174 giành nhiều chiến thắng giòn giã trên đường số 4, liên tiếp phục kích các đoàn xe của địch lên tiếp tế cho quân đóng ở Cao Bằng, khiến đường số 4 tắc nghẽn liên tục, buộc địch phải mở cầu hàng không cho máy bay Đa-cô-ta tiếp tế lên sân bay Nà Cạn (thị xã Cao Bằng). Tiêu biểu là trận phục kích Bông Lau - Lũng Phầy 4 diễn ra ngày 3/9/1949, Trung đoàn 174 tiêu diệt, bắt sống hàng trăm tên địch, trong đó có 1 tên quan ba, phá hỏng gần 100 xe, thu trên 2.000 súng các loại. Số vũ khí thu được đủ trang bị cho cả 1 trung đoàn. Do những chiến công trên đường số 4 của Trung đoàn 174, quân, dân vùng Cao-Bắc-Lạng tôn xưng Trung đoàn trưởng Đặng Văn Việt là "Đệ tứ lộ Đại vương", còn các binh sĩ Pháp gọi ông là "Hùm xám đường số 4".

Ngày 18/12/1949, tàn quân Tưởng bị Giải phóng quân Trung Quốc truy đuổi, tràn qua biên giới nước ta định cấu kết với quân thực dân Pháp để dựa vào nhau chống phá cách mạng Việt Nam và cách mạng Trung Quốc. 2 toán gồm hàng ngàn tên tràn vào Hạ Lang, Phục Hòa bị dân quân, tự vệ chặn đánh phải chạy về hướng Đông Khê. Toán thứ ba khoảng 1 vạn tên tràn vào Sóc Giang (Hà Quảng). Trung đoàn 174 đã chặn đánh quyết liệt, đến ngày 19/1/1950 chúng mới đến được xã Đào Ngạn, lại bị ta tiếp tục chặn đánh, buộc chúng phải rút về Sóc Giang cố thủ rồi phải chạy qua huyện Trà Lĩnh tìm lối thoát sang Long Châu (Quảng Tây, Trung Quốc), sau đó bị Giải phóng quân Trung Quốc bao vây, tiêu diệt.

Tháng 5/1950, Bộ Tổng Tư lệnh quyết định mở Chiến dịch Lê Hồng Phong trên chiến trường Lào Cai, Yên Bái. Trên mặt trận Cao Bằng, Bộ Tư lệnh Liên khu I chỉ thị Cao Bằng mở Chiến dịch Phan Đình Phùng đánh vào cứ điểm Đông Khê để tiêu hao sinh lực địch, chuẩn bị mọi mặt tiến tới tổng phản công.

19 giờ ngày 26/5/1950, quân ta tấn công cứ điểm Đông Khê, đến 7 giờ ngày 27/5/1950, ta tiêu diệt hoàn toàn địch ở thị trấn Đông Khê, 377 tên địch bị chết và bị thương. Ta tiêu diệt 6 vị trí của địch, bắt sống 100 tên, phá hủy và thu nhiều vũ khí, quân trang, quân dụng... Ngày 27/5/1950, thực dân Pháp cho quân nhảy dù chiếm lại Đông Khê, để bảo toàn lực lượng ta đã rút quân. Trong Chiến dịch Phan Đình Phùng, Trung đoàn 174 đã đánh một trận dũng cảm, ngoan cường và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đảm nhiệm đánh vào hướng chính; đánh dấu sự tiến bộ vượt bậc của bộ đội ta về chiến thuật chỉ huy tác chiến, sự phối hợp chặt chẽ giữa bộ đội chủ lực với bộ đội địa phương và dân quân du kích.

Trong trận đánh mở màn Chiến dịch Biên giới 1950, sáng 16/9/1950, từ hướng Bắc, 3 đại đội thuộc Trung đoàn 174 có hoả lực đại liên và ĐKZ yểm trợ tiến công 3 cứ điểm tiền tiêu của địch ở núi Yên Ngựa, Cạm Phầy, Phja Khoá. Sau bốn giờ đồng hồ kịch chiến, quân ta chiếm được vị trí Yên Ngựa và Phja Khoá. Chiều tối 16/91950, quân ta mở đợt tiến công thứ hai, cả 2 Trung đoàn 174 và 209 đồng loạt tiến công. Từ vị trí Cạm Phầy, Trung đoàn 174 tiến đánh đồn chính. 17 giờ ngày 17/9/1950, ta đồng loạt mở đợt tấn công mới vào trung tâm Đông Khê, Trung đoàn 174 được pháo binh ta đặt trên đỉnh Cạm Phầy bắn yểm trợ mở thêm một mũi tiến công đánh đồn chính; đến 4 giờ 30 phút ngày 18/9/1950, Trung đoàn 174 đã thọc sâu vào sở chỉ huy địch, phối hợp với Trung đoàn 209 đánh chiếm toàn bộ đồn chính. 10 giờ cùng ngày, trận đánh Đông Khê kết thúc.

Trong trận đánh này, Trung đoàn 174 có nhiều tấm gương tiêu biểu như Tiểu đội trưởng Lý Viết Mưu hy sinh anh dũng, được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; Tiểu đội phó La Văn Cầu nhờ đồng đội chặt cánh tay bị thương xông lên đánh bộc phá dập tắt hỏa lực địch (sau được phong tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân)... Sau Chiến thắng Chiến dịch Biên giới, Trung đoàn còn vinh dự được bảo vệ Bác Hồ qua biên giới đi thăm Liên Xô, Trung Quốc và rồi đón Người về nước. Ngày 1/5/1951, tại huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn, Trung đoàn 174 được biên chế vào Đại đoàn 316.

Hiện nay, tại di tích đồi A1, thành phố Điện Biên Phủ (Điện Biên) còn dấu tích lô cốt cây đa cụt “Ụ thằng người” bị Đại đội 671, Tiểu đoàn 251, Trung đoàn 174, Đại đoàn 316 tiêu diệt lúc 1h30' ngày 7/5/1954 trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Trung đoàn 174 được giao nhiệm vụ tiêu diệt cứ điểm đồi A1 nhưng thất bại trong lần đầu tiên tấn công. Sau khi rút kinh nghiệm và qua khai thác tù binh, Trung đoàn táo bạo đề nghị Đại đoàn 316 và Bộ Chỉ huy Chiến dịch phương án đánh đồi A1 bằng cách đào đường hầm sâu dưới lòng đất, sử dụng thuốc nổ để đánh sập lô cốt "mẹ" trên đồi A1, tiến tới tiêu diệt toàn bộ quân địch. Sau 16 ngày đêm đào đường hầm liên tục, Trung đoàn đào được 49 m đường hầm và đặt 980 kg thuốc nổ vào trong lòng đồi A1. Đến giờ hiệp đồng và được lệnh điểm hỏa của chỉ huy, tiếng nổ từ quả bộc phá "ngàn cân" của Trung đoàn làm quân địch choáng váng, không kịp đối phó, ta thừa thế tiến công giành thắng lợi hoàn toàn. Giành nhiều thành tích trong chiến đấu, Trung đoàn 174 vinh dự được nhận Cờ của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

"Đoàn kết, mưu trí, sáng tạo, dũng cảm, kiên cường, quyết chiến, quyết thắng" là 14 chữ vàng của Trung đoàn 174 hiện nay thuộc Sư đoàn 316, Bộ Tư lệnh Quân khu 2. Trong dịp kỷ niệm 58 năm Ngày thành lập (19/8/1949 - 19/8/2007), Trung đoàn 174 được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

 

Tin tức khác

backtop