LONG KHỐT – MỘT VÙNG LINH KHÍ - Kỳ III – Sông nước linh thiêng!

LONG KHỐT – MỘT VÙNG LINH KHÍ - Kỳ III – Sông nước linh thiêng!

LONG KHỐT – MỘT VÙNG LINH KHÍ - Kỳ III – Sông nước linh thiêng!

LONG KHỐT – MỘT VÙNG LINH KHÍ - Kỳ III – Sông nước linh thiêng!

LONG KHỐT – MỘT VÙNG LINH KHÍ - Kỳ III – Sông nước linh thiêng!
LONG KHỐT – MỘT VÙNG LINH KHÍ - Kỳ III – Sông nước linh thiêng!

LONG KHỐT – MỘT VÙNG LINH KHÍ - Kỳ III – Sông nước linh thiêng!

LONG KHỐT – MỘT VÙNG LINH KHÍ

III – Sông nước linh thiêng!

Phóng sự của: PHAN TÙNG SƠN

Trải bao thăng trầm lịch sử, Long Khốt vẫn vẹn nguyên dáng vẻ của một cù lao giữa mênh mông sông nước. Giữa bạt ngàn đồng lúa tít tắp là những đầm sen nở hoa quanh năm. Sen hồng Tháp Mười mang vẻ đẹp thanh cao, làm mê đắm du khách muôn phương. Từ việc trồng sen để lấy hoa dâng cúng hương hồn các anh hùng liệt sĩ tại Đền thờ Liệt sĩ Long Khốt, hoa sen ở đây đang dần trở thành một biểu tượng sinh động của nghĩa tri ân và sứ giả du lịch. Xây dựng Long Khốt trở thành Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia là tâm nguyện của hàng ngàn cựu chiến binh Trung đoàn 174 qua các thời kỳ và là mục tiêu của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các địa phương vùng Đồng Tháp Mười…

Khuôn viên Đền thờ Liệt sĩ Long Khốt trở nên quá nhỏ bé, chật chội trước dòng người đổ về mỗi lúc một đông, khiến Ban chỉ huy Đồn Biên phòng Long Khốt phải sử dụng cả doanh trại để đón khách. Cán bộ, chiến sĩ biên phòng ân cần, niềm nở nhường cả giường của mình cho các cựu chiến binh cao tuổi nghỉ ngơi. Con đường từ Tỉnh lộ vào Đồn Biên phòng Long Khốt rực hoa sen. Những bông sen hồng cuối vụ tỏa sắc ngát hương cả một vùng sông nước nắng trải mênh mông…

Kể cũng lạ. Dòng người đông đúc là thế nhưng tịnh, không một ai chen lấn, ồn ào. Trong dòng người, một tiếng ho của ai đó phát ra cũng rất khẽ. Mọi người xếp hàng, lần lượt vào dâng hương, dâng hoa trước đền thờ, nơi có nhà bia khắc tên gần 700 liệt sĩ Long Khốt trên nền đá hoa cương. Mỗi dòng tên, một linh hồn bất tử. Một không khí thanh tịnh, linh thiêng bao trùm, tỏa trong khói hương ngan ngát. Khói hương cuốn theo những làn gió mỏng bay về hướng dòng sông đang kỳ nước lớn…

Đứng lặng trước Đền thờ Liệt sĩ Long Khốt sau khi dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, ông Võ Chí Hùng, Phó chủ tịch UBND huyện Vĩnh Hưng (Long An) xúc động tâm sự với chúng tôi: “Riêng Trung đoàn 174, đã có gần 700 cán bộ chiến sĩ hy sinh tại Long Khốt. Tính cả bộ đội địa phương và nhân dân, số người ngã xuống ở vùng sông nước này lên đến hàng ngàn. Phần lớn những người con Tổ quốc xả thân ở vùng đất này, đến nay đều chưa tìm được hài cốt. Sông nước mênh mông, mỗi búi cỏ, lùm cây, bờ đất, mỗi tuyến kênh rạch ở đây đều chứa một phần xương máu của cha anh. Dù địa phương và các ngành chức năng đã rất cố gắng, nhưng cho đến nay, danh sách cán bộ, chiến sĩ, nhân dân hy sinh tại Long Khốt vẫn chưa thể đầy đủ. Một công trình tri ân anh hùng liệt sĩ xứng tầm vẫn chưa thể triển khai, do địa phương chưa hội tụ đủ nguồn lực!”. Đôi mắt ông Hùng hoe đỏ. Ông đưa bàn tay vuốt quanh chiếc chuông đồng treo ở gian chính đền thờ, bề mặt chuông chạm nổi đôi câu đối của cựu chiến binh, Đại tá Trần Thế Tuyển: “Thân ngã xuống thành đất đai Tổ quốc/ Hồn bay lên hóa linh khí Quốc gia”.

Công trình đền thờ và nhà bia tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ Long Khốt hiện hữu được các cựu chiến binh Đoàn Cao Bắc Lạng phối hợp với tỉnh Long An và một số doanh nghiệp xây dựng từ năm 2009. Đại tá Tám Trần bảo rằng, do đất nước, địa phương còn khó khăn, anh em đồng đội một thuở chung chiến hào, sau ngày đất nước thống nhất, hoàn thành nghĩa vụ quốc tế ở Cam-pu-chia trở về, cũng mỗi người một ngả. Mãi về sau mới có điều kiện liên lạc với nhau. 8 năm trước, sau rất nhiều nỗ lực, những người còn sống mới có dịp hoàn thành tâm nguyện với đồng đội đã khuất. Đền thờ Liệt sĩ Long Khốt sau khi được xây dựng, đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa của tỉnh Long An.

Lần này tụ hội về Long Khốt, danh sách các cựu chiến binh Trung đoàn 174 (Đoàn Cao Bắc Lạng) đã vơi đi ít nhiều so với lần trước. Nhiều cựu chiến binh tuổi bát thập tâm sự rằng, có lẽ đây là lần cuối cùng về Long Khốt tri ân đồng đội, đồng bào, bởi sức khỏe đang ngày một cạn dần. “Nguyện vọng cháy bỏng nhất của chúng tôi bây giờ là nâng cấp di tích Long Khốt thành di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, xứng đáng với tầm vóc lịch sử chiến tranh và sự hy sinh xương máu của hàng ngàn đồng bào, chiến sĩ ở vùng đất thiêng này.” – Đại tá Tám Trần nói.

Cuộc họp giữa Ban liên lạc truyền thống Trung đoàn 174 với lãnh đạo huyện Vĩnh Hưng và lãnh đạo Ban Tuyên giáo, Bảo tàng tỉnh Long An diễn ra trong bầu không khí ấm áp, nặng nghĩa tri ân. Các đồng chí lãnh đạo huyện, tỉnh đều cho rằng, Long Khốt là địa danh linh thiêng, có giá trị lịch sử, nhân văn to lớn ở vùng Đồng Tháp Mười. Việc xây dựng nơi đây trở thành địa chỉ đỏ về nguồn không những là nghĩa cử tôn kính đối với các anh hùng liệt sĩ, mà còn là nhân tố thúc đẩy du lịch truyền thống, quảng bá lịch sử, văn hóa của đất và người Đồng Tháp Mười. Lãnh đạo tỉnh giao Bảo tàng tỉnh Long An phối hợp với các cơ quan chức năng sưu tầm, bổ sung tư liệu lịch sử, hoàn thiện hồ sơ, thủ tục gửi Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đề nghị nâng cấp di tích Long Khốt trở thành di tích cấp quốc gia. Đề án do UBND huyện Vĩnh Hưng phối hợp với các cơ quan chức năng tỉnh Long An lập, xác định quy mô các công trình dự kiến xây dựng trong khu di tích Long Khốt, gồm 6 hạng mục: Nâng cấp Đền thờ Liệt sĩ Long Khốt, xây dựng tượng đài Liệt sĩ Long Khốt, nhà truyền thống, xây dựng một cây cầu bắc qua sông Long Khốt, trồng cây lâu năm dọc hai bên đường từ Long Khốt đến sát biên giới Việt Nam – Cam-pu-chia và xuất bản sách về vùng đất thiêng Long Khốt…Hiện đã có một tổ chức cam kết tặng 500 cây sưa để trồng trên tuyến đường này.

Đã trở thành một nét đẹp văn hóa tâm linh, một nghĩa cử tri ân nặng tình đồng đội, mỗi lần trở lại chiến trường xưa, các cựu chiến binh Trung đoàn 174 – Đoàn Cao Bắc Lạng lại tổ chức thả hoa đăng trên dòng Long Khốt. Đêm nay cũng vậy. Bên bờ sông Long Khốt trời lất phất mưa, ngay từ khi trời vừa chạng vạng, hàng trăm cựu chiến binh đã quân phục chỉnh tề, ngực đỏ rực huân chương, tề tựu chờ đợi thời khắc thiêng liêng. Người dân địa phương cũng kéo đến đông nghịt. Từng đoàn người đứng chen chúc bên bờ sông cây cỏ um tùm. Đông đúc là thế nhưng cũng như khi làm lễ tưởng niệm, nghi thức thả hoa đăng diễn ra trong trật tự dưới bầu không khí linh thiêng. Hơn 4 thập kỷ trôi qua, hai bên bờ sông miền biên viễn đã sum vầy xóm ấp, nhưng dòng Long Khốt thì vẫn vẹn nguyên dáng vẻ tĩnh mịch hoang hoải đặc trưng của miền nước nổi.

Trời sầm sập tối. Những tảng mây đen kịt kéo đến mỗi lúc một dày, ngỡ như nhảy lên là đã có thể với tới được. Ngay từ chiều, bè hoa đăng được cán bộ chiến sĩ biên phòng kết lại từ những thân cây chuối và tầm vông, cắm hoa và hàng trăm ngọn nến tạo hình lá cờ Tổ quốc. Hai bên bờ sông, người dân bắt đầu đốt lên những ngọn nến. Không gian trầm mặc càng thêm phần huyền diệu từ ánh sáng của hàng nghìn ngọn nến trên nền cỏ hoa, tựa như một dải cầu vồng rực rỡ sắc màu từ trên trời dán xuống. Nghi thức thả hoa đăng bắt đầu. Dòng người đứng lặng mặc niệm, tưởng nhớ người đã khuất. Đại tá cựu chiến binh Trần Thế Tuyển thắp hai cây nhang đại giơ lên cao, vái tứ phương rồi cất giọng run run: “… Chúng tôi, những đồng đội của các đồng chí từ khắp mọi miền đất nước, cùng bà con cô bác vùng Đồng Tháp Mười tụ hội về đây. Âm dương cách biệt, dù chúng tôi không nhìn thấy các đồng chí nhưng ai cũng biết, cũng có cảm giác các đồng chí đang ở rất gần, ngay trong hàng ngũ những người đang sống hôm nay. Tổ quốc Việt Nam, dân tộc Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam, Quân đội nhân dân Việt Nam; đồng bào, chiến sĩ quê hương Long An trung dũng kiên cường và Bộ đội Cụ Hồ Trung đoàn 174 qua các thời kỳ, mãi mãi ghi công, tưởng nhớ sự hy sinh anh dũng của các đồng chí. Chúc mong các đồng chí bình an nơi chín suối và luôn dõi theo, phù hộ độ trì cho quê hương Vĩnh Hưng, Long An, cho đồng bào, chiến sĩ và những đồng đội còn sống. Chúng tôi mãi mãi tiếc thương, nhớ ơn các đồng chí!...”

Bè hoa đăng được thả xuống dòng Long Khốt. Một chiếc ghe cỡ lớn của ngư dân được trưng dụng để các chiến sĩ biên phòng và ban tổ chức buổi lễ đưa bè ra giữa dòng, theo con nước xuôi về miền hạ. Trên bờ, tiếng nhạc của các ca khúc trong quân ngũ vang lên hào hùng. Dòng người đứng vẫy tay dõi theo bè hoa đăng như đang vẫy chào tạm biệt đồng đội, đến khi mảng sáng trên bè chỉ còn là một đốm lửa nhỏ nơi cuối dòng, mới quay trở về.

Trong dòng người về Long Khốt, có cặp vợ chồng nghệ sĩ điêu khắc Nguyễn Sang – Kim Thanh. Trong chuỗi hoạt động tri ân về nguồn, vợ chồng điêu khắc gia luôn chăm chú quan sát, ghi chép, phác thảo những nét vẽ vào cuốn sổ lớn cầm tay. Đây là hai nghệ sĩ điêu khắc tự nguyện về Long Khốt thực tế để làm phác thảo Tượng đài liệt sĩ Long Khốt. Nhà điêu khắc Kim Thanh tâm sự, vợ chồng bà đã nghiên cứu kỹ tư liệu lịch sử, tìm hiểu truyền thống văn hóa, phong tục tập quán của vùng đất này, đặc biệt là những chuyến về nguồn tri ân đã giúp vợ chồng bà có đầy đủ chất liệu để sáng tác mẫu tượng đài. Tác phẩm phải thể hiện được tính chất khốc liệt của cuộc chiến, tinh thần đoàn kết, hiệp đồng giữa bộ đội và nhân dân; sự hy sinh xương máu của hàng nghìn đồng bào, chiến sĩ cùng nỗi đau thương, mất mát quá lớn khi phần lớn những người ngã xuống đều chưa và không có cơ hội tìm thấy hài cốt.

Rồi đây, một ngày không xa, trên cù lao của vùng nước nổi Long Khốt sẽ mọc lên những công trình văn hóa tâm linh, tri ân anh hùng, liệt sĩ Long Khốt. Lúa Tháp Mười trĩu bông trên những cánh đồng tít tắp. Sen Tháp Mười ngát sắc hương trong những đầm nước mênh mông. Sông nước linh thiêng hội tụ vẻ đẹp trù phú của một vùng đất thiên nhiên ban tặng và tình nghĩa sắt son của đồng chí, đồng bào khắp mọi miền đã từng nặng ân tình với Long Khốt…

 

Tin tức khác

Tin mới
Hoạt động

Quảng cáo

backtop