TRUNG ĐOÀN CAO- BẮC- LẠNG ANH HÙNG

TRUNG ĐOÀN CAO- BẮC- LẠNG ANH HÙNG

TRUNG ĐOÀN CAO- BẮC- LẠNG ANH HÙNG

TRUNG ĐOÀN CAO- BẮC- LẠNG ANH HÙNG

TRUNG ĐOÀN CAO- BẮC- LẠNG ANH HÙNG
TRUNG ĐOÀN CAO- BẮC- LẠNG ANH HÙNG

TRUNG ĐOÀN CAO- BẮC- LẠNG ANH HÙNG


 TRUNG ĐOÀN CAO- BẮC- LẠNG ANH HÙNG

      Khi còn là một cậu học sinh, tôi mê nhất là những tiểu thuyết viết về người lính Hồng quân Liên xô trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại chống phát xít Đức. Tôi nhớ như in câu chuyện những người lính Hồng quân để bảo vệ Quân kỳ đã lựa chọn chiến đấu hy sinh để những người khỏe nhất đưa Quân kỳ đến nơi an toàn. Lá Quân kỳ được bảo vệ bằng xương máu người lính ấy đã tung bay trên đường phố Berlin khi Hồng quân chiến thắng. Hình ảnh oai hùng của người lính Hồng quân bên lá Quân kỳ khiến tôi nung nấu ước ao một ngày nào đó mình sẽ là người tái hiện hình ảnh oai hùng đó trong hàng ngũ Quân đội Nhân dân Việt Nam.

      Tự hào là người lính Trung đoàn 174

      Cuối năm 1972 tôi cùng những người lính của Đoàn 2020 rời núi rừng Nho Quan hành quân ra trận. Ánh mắt tôi cứ ngước theo hình ảnh lá Quân kỳ “Quyết chiến Quyết thắng” phần phật bay dẫn đầu đoàn quân, lòng bồi hồi xúc động, ước mơ ngày nào đã dần thành hiện thực. Hơn 3 tháng trời ròng rã lội bộ trên con đường Trường sơn-Hồ chí Minh huyền thoại, chúng tôi đặt chân lên chiến trường Miền Đông Nam bộ và được bổ sung vào Trung đoàn 2, Công trường 5 (mật danh của Sư đoàn 5 ngày ấy).

      Ngày đầu về đơn vị, nghe trợ lý tuyên huấn Trung đoàn Trần Thế Tuyển nói về truyền thống Trung đoàn, tôi mới biết tiền thân của Trung đoàn 2 chính là Trung đoàn 174 oai hùng của núi rừng Cao-Bắc-Lạng năm nào. Đó là một trong 2 Trung đoàn chủ lực đầu tiên của quân đội ta ra đời từ chiến khu Việt Bắc (Trung đoàn 174 và Trung đoàn 209), là chiếc nôi đã nuôi dưỡng và rèn luyện nên các tướng lĩnh lừng danh, những anh hùng mà chiến công của họ đi vào huyền thoại. Năm 1950, chỉ sau một năm thành lập, Trung đoàn được giao đánh đồn Đông Khê, trận đánh mà Bác Hồ đã ra tận trận địa động viên bộ đội. Trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, Trung đoàn vinh dự làm đơn vị chủ công đánh chiếm đồi A1. Nhiều anh hùng như La Văn Cầu, Bế Văn Đàn… cũng đã được ghi danh trong thời kỳ lịch sử oai hùng này.

      Ngược dòng thời gian, tháng 3 năm 1967, Trung đoàn 174 tách khỏi đội hình Sư đoàn 316 hành quân vào Nam chiến đấu với mật danh “Đoàn A1” (phải chăng là để gắn với chiến công đánh chiếm đồi A1 trong chiến dịch Điện Biên Phủ). Năm 1967, khi Trung đoàn 174 hành quân vào Nam thì ít lâu sau Trung đoàn 174B thuộc Sư đoàn 316 được thành lập. Điều khá lý thú là trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử Mùa Xuân năm 1975, cả 2 Trung đoàn 174 đều tham chiến. Trung đoàn 174B sau khi tham gia đánh chiếm Buôn mê thuột đã tiếp tục tiến về giải phóng Sài gòn, còn Trung đoàn 174 của chúng tôi trong đội hình Đoàn 232 đánh vào Sài gòn từ hướng Tây Nam, cắt lộ 4 và giải phóng thị xã Tân An.

     Trong đội hình Sư đoàn 5, Trung đoàn luôn được giao nhiệm vụ chủ công như Chiến dịch Nguyễn Huệ (1972) giải phóng Lộc Ninh; Chiến dịch Hồ Chí Minh (1975) giải phóng thị xã Tân An. Hơn 10 năm làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới Tây Nam và làm nghĩa vụ quốc tế trên đất Campuchia, Trung đoàn đã hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. Kết thúc chiến tranh, Trung đoàn được 2 lần phong danh hiệu “Anh hùng LLVTND”, nhiều cán bộ chiến sĩ được phong tặng danh hiệu AHLLVT và nhiều tướng lĩnh kiệt xuất của quân đội như đại tướng Chu Huy Mân, thượng tướng Nguyễn Hữu An, trung tướng Đàm Văn Ngụy, thiếu tướng Vũ Viết Cam... đều xuất thân là lính Trung đoàn 174.

 

Tiếp nối truyền thống trong thời bình

        Sau giải phóng, những người lính về với đời thường chúng tôi vẫn luôn canh cánh trong lòng việc giữ gìn và tiếp nối truyền thống anh hùng của Trung đoàn 174. Những người lính chúng tôi, người còn, người mất nhưng vẫn hướng về nhau bằng tình cảm thương yêu chân thành nhất. Ban Liên lạc Cựu chiến binh Trung đoàn 174 đã ra đời, mang sứ mệnh kết nối truyền thống của Trung đoàn.

       Tôi và Đại tá- nhà báo Trần Thế Tuyển, Trưởng ban liên lạc Cựu chiến binh trung đoàn 174 đã có nhiều chuyến đi, để thăm và tìm lại những chứng nhân một thời của Trung đoàn anh hùng năm ấy. Khi chúng tôi về thăm Anh hùng La Văn Cầu, người anh hùng đã nhờ đồng đội dùng lưỡi lê chặt đứt cánh tay bị thương cho khỏi vướng để ôm bộc phá xông lên phá tan lô cốt địch trong chiến dịch Đông khê 2 (năm 1950), bác La Văn Cầu đã 85 tuổi. Vị lão Anh hùng này vẫn còn mạnh khỏe, thông tuệ, sang sảng kể cho chúng tôi nghe trận đánh năm xưa. Khi nhắc đến Trung đoàn trưởng đầu tiên của Trung đoàn 174 Đặng Văn Việt, giọng ông trầm hẳn xuống: “Tôi đã nhiều lần nói, tôi được phong Anh hùng 1 lần thì thủ trưởng Việt xứng đáng được phong danh hiệu cao quý này 10 lần. Năm 2012 tôi đã gửi bức tâm thư đề nghị Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang cho thủ trưởng cũ của tôi là trung tá Đặng văn Việt.”  

       Chúng tôi cũng từng đến thăm vị Trung đoàn trưởng lừng danh Đặng văn Việt, Trung đoàn trưởng đầu tiên được các thế hệ người lính Trung đoàn kính phục, được người Pháp mệnh danh là “Hùm xám đường 4”. Năm ấy ông đã 97 tuổi (năm 2017), tuy tuổi cao, sức yếu nhưng ánh mắt ông vẫn tinh anh và trí tuệ minh mẫn. Rời quân ngũ năm 1960 ông chỉ mang quân hàm trung tá, nhưng trong lòng chúng tôi, những CCB của nhiều thế hệ, ông mãi như một vị tướng trận kiệt xuất. Sử sách còn ghi, ông Đặng Văn Việt đã trực tiếp chỉ huy đánh 120 trận, trong đó chỉ có 4 trận không thắng. Ông Đặng Văn Việt không chỉ là vị chỉ huy quân sự xuất sắc, mà còn là cây viết sắc sảo. Ông là tác giả của 17 cuốn sách, trong đó cuốn “ Đường số 4 rực lửa” đoạt giải nhất Liên hiệp VHNT năm 2000.       

       Đại tá Nhà báo Trần thế Tuyển và tôi đã cùng các anh trong BLL CCB Trung đoàn 174 tại Hà Nội về thăm Trung đoàn 174 cúa Sư đoàn 316 đang đóng quân giữa núi rừng Yên bái. Cán bộ chiến sỹ của Trung đoàn đón tiếp chúng tôi thân tình thắm thiết như đón những người anh em đi xa mới về. Cuộc gặp gỡ nhiều thú vị nhưng cũng để lại trong chúng tôi nỗi trăn trở bởi 2 Trung đoàn 174 ở 2 Miền đất nước chưa kết nối được với nhau. Mơ ước một cuốn sử trọn vẹn đầy đủ về Trung đoàn Cao-Bắc-Lạng oai hùng vẫn còn dang dở.

      Thăm phòng truyền thống của Trung đoàn, tôi bồi hồi ngắm nhìn các hiện vật thắm máu người lính, đặc biệt là lá quân kỳ “Quyết chiến Quyết thắng” năm xưa. Lá cờ của Hồng quân Liên Xô tung bay trên đường phố Berlin năm 1945 và lá cờ “Quyết chiến Quyết thắng” của Trung đoàn 174 Cao-Bắc-Lạng tung bay trên đồi A1 (Điện Biên Phủ), trên thị xã Lộc Ninh (1972),trên thành phố Buôn Mê Thuột và thị xã Tân An (1975) sao có nhiều tương đồng và ý nghĩa đến vậy.

      Và tôi lại nhớ đến gương mặt những người lính Bộ đội Cụ Hồ đầu tiên của Trung đoàn, vị Trung đoàn trưởng đầu tiên đáng kính, nhớ những đồng đội đã ngã xuống, nhớ những người còn sống hôm nay những vẫn mang trong mình những vết thương chiến tranh không thể nào lành sẹo, nhớ những người lính trẻ hôm nay… Chúng tôi, những thế hệ người lính Trung đoàn 174 Anh hùng, sẽ cùng cố gắng, để truyền thống tốt đẹp của Trung đoàn sẽ mãi còn tiếp nối.

Trình Tự Kha

 

Tin tức khác

Tin mới
Hoạt động

Quảng cáo

backtop